Kinh nghiệm
Hệ thống bôi trơn ô tô: Tác dụng, đặc điểm & kinh nghiệm bảo dưỡng
Hệ thống bôi trơn là một phần không thể thiếu trên ô tô, giúp cho các động cơ hoạt động một cách mượt mà, trơn tru hơn. Vậy nguyên lý hoạt động của hệ thống bôi trơn như thế nào? Các bộ phận chính của hệ thống bôi trơn gồm những gì? Cùng MMKAUTO.VN tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Hệ thống bôi trơn là gì?
Hệ thống bôi trơn là hệ thống cung cấp chất bôi trơn đến các chi tiết máy. Chất bôi trơn gồm 3 dạng có sẵn: rắn, lỏng, khí. Trong đó, dạng bôi trơn chất lỏng (dầu nhớt) được sử dụng nhiều nhất.
Hệ thống bôi trơn động cơ xe ô tô được coi là hệ thống quan trọng. Nếu động cơ không đủ dầu bôi trơn, thì chắc chắn sẽ có xu hướng hư vặt liên tục, tạo ra ma sát và sinh nhiệt hoặc gây ra các hậu quả tiêu cực khi động cơ xe quá nóng.

Tác dụng của hệ thống bôi trơn trên ô tô
Hệ thống bôi trơn có nhiệm vụ đưa dầu bôi trơn tới các bề mặt ma sát để bôi trơn. Công dụng của dầu bôi trơn sẽ phát huy tác dụng làm mát, giảm ma sát khi các chi tiết máy vận hành. Nhờ có hệ thống bôi trơn đưa dầu đến các chi tiết mà máy móc đỡ bị hoen gỉ, các kẽ hở giữa pittông và xilanh được bao kín, giúp động cơ hoạt động trơn tru, êm ái hơn.
Đồng thời lọc sạch tạp chất lẫn trong dầu nhờn và tẩy rửa các bề mặt ma sát và các chi tiết động cơ. Đặc biệt lấy đi nhiệt sơ bộ (nhiệt độ sinh ra do cọ xát giữa các bề mặt), làm mát vẫn đảm bảo tính năng lý hóa của nó.

Các bộ phận chính của hệ thống bôi trơn trên ô tô
Cấu tạo hệ thống bôi trơn gồm 4 bộ phận chính đó là bơm dầu, lọc dầu, thông gió hộp trục khuỷu, két làm mát dầu. Mỗi bộ phận đều đem lại công dụng riêng trong quá trình hoạt động của hệ thống.

Bơm dầu
Bơm dầu nằm ở dưới cacte, gần với bể chứa dầu. Có rất nhiều loại bơm dầu được sử dụng hiện nay như pittông, trục vít, phiến trượt, tuy nhiên loại bánh răng là phổ biến nhất.
Bơm dầu hoạt động cung cấp dầu từ bể chứa dầu đến các bề mặt thường xuyên bị ma sát liên tục để bôi trơn và làm mát động cơ. Bể chứa dầu là bể chứa hình bát lưu trữ dầu động cơ để luân chuyển đến các động cơ, khi động cơ không chạy thì bể dầu là nơi lưu trữ.

Bộ phận lọc dầu
Dầu trong bơm dầu sẽ chảy qua bộ lọc và đến với các đường dẫn. Công dụng bộ phận lọc dầu giúp đảm bảo dầu nhớt bôi trơn phải luôn sạch, hạn chế tình trạng ổ trục bị mài mòn, kẹt, hư hỏng do tạp chất (muội than, cát, bụi, tạp chất trong không khí, mạt kim loại,…) gây ra.
Một số loại bầu lọc phổ biến: Bầu lọc cơ khí; bầu lọc thấm; bầu lọc ly tâm; lọc từ tính; lọc hóa chất,…

Thông gió hộp trục khuỷu
Bộ phận thông gió hộp trục khuỷu có công dụng lớn trong việc hạ nhiệt, làm mát động cơ, bảo vệ dầu khỏi tình trạng ô nhiễm, phân hủy khi tạp chất cháy trong quá trình hoạt động.
Tuy nhiên, do có hiện tượng lọt khí, nhiệt độ bên trong hộp trục khuỷu cũng tăng lên làm hại đến tính năng hoá lý của dầu nhờn.

Két làm mát dầu
Két làm mát dầu truyền nhiệt từ đầu động cơ sang chất làm mát động cơ thông qua các cánh tản nhiệt. Bộ làm mát dầu giúp ổn định nhiệt độ của dầu động cơ, giữ cho độ nhớt được kiểm soát trong mức cho phép, không để xảy ra tình trạng quá nóng làm hư hỏng, gián đoạn quá trình hoạt động.
Có hai cách làm mát đó là hệ thống làm mát bằng nước hoặc làm mát bằng không khí.

Hệ thống bôi trơn động cơ xe ô tô thông thường
Phương pháp bôi trơn bằng vung té dầu
Phương pháp bôi trơn bằng vung té hay được dùng trong các động cơ xilanh – kiểu xilanh nằm ngang, có kết cấu đơn giản. Nguyên lý làm việc của phương pháp này là dầu nhờn chứa trong cacte sẽ được thìa múc dầu hắt tung lên rồi rơi xuống các bề mặt ma sát một cách tự do.
Phương pháp này dễ nhưng lại khó tính toán lượng dầu đủ dùng cho các cổ trục.

Hệ thống bôi trơn cưỡng bức
Hệ thống bôi trơn cưỡng bức có cấu tạo phức tạp. Dầu bôi trơn luôn luôn lưu động tuần hoàn và có một áp suất nhất định, thường khoảng 0, 1 – 0,04MN/m2. Vì vậy, ưu điểm của phương pháp này là điều chỉnh được lượng dầu, tẩy rửa sạch bề mặt ma sát và hiệu quả bôi trơn tốt.

Phương pháp bôi trơn hỗn hợp
Hầu hết các động cơ dùng trên ô tô đều sử dụng hệ thống bôi trơn hỗn hợp gồm bôi trơn cưỡng bức và bôi trơn theo cacte dầu (vung té dầu).
- Đối với bôi trơn cưỡng bức: sẽ sử dụng cho các chi tiết phải chịu tải trọng lớn như bạc đòn mở của cấu trúc phân phối khí, bạc đầu to thanh truyền, bạc cổ trục chính.
- Đối với bôi trơn Cacte dầu: dùng cho các chi tiết như ống dẫn hướng, thân xupap, con đội, mặt gương xilanh và pittông.

Bôi trơn bằng dầu pha vào nhiên liệu
Phương pháp này được thiết kế cho động cơ xăng 2 kỳ có 3 cửa nạp – xả – thổi trên xilanh và các-te chứa hòa khí. Bạn sẽ pha hỗn hợp dầu bôi trơn và nhiên liệu theo tỷ lệ 1/20 – 1/25 sẽ được pha theo 3 cách như sau:
- Cách 1: Dầu sẽ được phun trực tiếp vào vị trí bướm ga hoặc ống khuếch tán.
- Cách 2: Chứa dầu và nhiên liệu trong 2 bình riêng biệt, khi hoạt động sẽ được hòa trộn song song, theo định lượng đã quy định.
- Cách 3: Hòa trộn dầu và nhiên liệu theo tỷ lệ đã quy định trước khi cho vào hệ thống bôi trơn.
Nguyên lý hoạt động của phương pháp bôi trơn này khá đơn giản nhưng lại được đánh giá là kém an toàn vì khó kiểm soát lượng dầu cần thiết. Nếu lượng dầu và nhiên liệu pha ít hơn sẽ làm giảm khả năng bôi trơn, dẫn đến pittông bị kẹt trong xilanh.

Khi nào cần bảo dưỡng hệ thống bôi trơn ô tô?
Hệ thống bôi trơn là hệ thống bắt buộc phải hoạt động ổn định trong suốt quá trình vận hành của động cơ ô tô. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất nên thường xuyên bảo dưỡng hệ thống bôi trơn ô tô, thay dầu và lọc dầu định kỳ.
Mục đích bảo dưỡng
Động cơ không được bôi trơn tốt sẽ làm hư hỏng các chi tiết, bộ phận của động cơ và ảnh hưởng đến công suất cũng như thời gian sử dụng. Vì vậy, cần chú ý bảo dưỡng hệ thống bôi trơn. Mục đích bảo dưỡng hệ thống bôi trơn là đảm bảo lượng dầu làm mát đầy đủ và nhiệt độ ổn định, với sự lưu thông dầu được liên tục trong hệ thống bôi trơn.
Thời gian bảo dưỡng
Hệ thống bôi trơn ô tô tốt nhất là theo định kỳ 6 tháng hoặc 3 tháng một lần tránh đợi ô tô có dấu hiệu bất thường mới đi kiểm tra. Nếu ô tô của bạn hoạt động liên tục trên đường với hành trình dài thì có thể bảo dưỡng hệ thống bôi trơn theo số km và thực hiện thay dầu nhớt.

Các hư hỏng thường gặp ở hệ thống bôi trơn trên ô tô
Hư hỏng hệ thống bôi trơn trên ô tô ảnh hưởng nhiều đến tuổi thọ của xe, xe thường xuyên hư vặt như:
- Rò rỉ đường ống làm lượng dầu quá thấp sẽ tác động lên đèn báo áp suất dầu bôi trơn sáng lên.
- Lọc dầu sử dụng quá lâu bị nhiễm bẩn nặng gây nghẹt lọc dẫn tới thiếu dẫn dầu cho các vị trí cần bôi trơn gây ra hiện tượng mài mòn.
- Ron cacte dầu sau thời gian dài sử dụng sẽ bị lão hóa và xì dầu ra ngoài cácte gây ra tình trạng bơm cấp dầu bị mòn, hỏng.
- Ngoài ra, hư hỏng hệ thống bôi trơn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các hệ thống khác trên động cơ như hệ thống phát lực (piston, thanh truyền, trục khuỷu…), hệ thống phân phối khí (trục cam, xupap, cò mổ…).
Đối với hệ thống bôi trơn, chi phí bảo trì, sửa chữa cho các hư hỏng cao hơn so với các hư hỏng khác trên xe ô tô. Vì vậy, bạn nên bảo dưỡng định kỳ để động cơ xe luôn hoạt động tốt và tiết kiệm chi phí nhé. Hy vọng bài viết trên có thể giúp bạn có thêm thông tin hữu ích về hệ thống bôi trơn trên ô tô. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!